Điểm mặt những cổ phiếu hấp dẫn nhà đầu tư trên sàn UPCom
11.06.2020
Sàn UPCom là nơi hiện diện của không ít doanh nghiệp cơ bản tốt với quy mô lớn, không hề kém cạnh so với các sàn niêm yết.
Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 20 năm hoạt động có 3 sàn giao dịch chính thức, bao gồm 2 sàn niêm yết (HoSE, HNX) và một sàn giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCom).
Trước đây, các cổ phiếu lớn trên thị trường chủ yếu giao dịch trên 2 sàn niêm yết HoSE và HNX. Trong khi sàn UPCom thường bị coi là "sân chơi hạng 2", nơi chủ yếu quy tụ các cổ phiếu với chất lượng không cao, hoặc các cổ phiếu bị hủy niêm yết và phải "xuống hạng" UPCom. Thanh khoản UPCom cũng rất èo uột và quy mô thị trường này khá nhỏ so với 2 sàn niêm yết.
Tuy vậy, thông tư 180 ra đời đã giúp sàn UPCom trở thành nơi quy tụ nhiều doanh nghiệp lớn với quy mô không thua kém, thậm chí vượt trội so với sàn niêm yết. Nhà đầu tư từ chỗ không ưa thích các cổ phiếu UPCom nay đã coi đây là "mỏ vàng" với nhiều cổ phiếu chất lượng cao. Dưới đây là các cổ phiếu nổi bật hiện đang giao dịch trên sàn UPCom và là lựa chọn được nhiều nhà đầu tư ưa thích.
Cổ phiếu "họ Viettel" bùng nổ cùng kỷ nguyên 4.0
Trong số các cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCom, nhóm Viettel được đánh giá có chất lượng cao với nhiều tên tuổi lớn như Viettel Global (VGI), Viettel Post (VTP) hay Viettel Construction (CTR). Đây đều là các Tổng công ty hàng đầu của Viettel, nổi bật là VGI với vốn hóa thị trường hiện lên tới gần 94.000 tỷ đồng (4 tỷ USD).
Khác với đa số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, nhóm Viettel được coi là làn gió mới trên sàn chứng khoán với các lĩnh vực kinh doanh đặc thù như Bưu chính, công nghệ, viễn thông. Đây là những ngành nghề kinh doanh triển vọng trong kỷ nguyên 4.0 và được hưởng lợi từ sự phát triển của Thương mại điện tử, 5G, Mobile Money.
Hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp "họ Viettel" cũng khá ấn tượng với mức tăng trưởng lợi nhuận hàng chục phần trăm mỗi năm như VTP, CTR. Trong khi đó, VGI sau nhiều năm đầu tư ra các thị trường nước ngoài đã bắt đầu có lãi.
Cổ phiếu Khu công nghiệp "dậy sóng" FDI
Việc ký kết hàng loạt hiệp định thương mại như WTO, CPTPP, EVFTA…trong những năm qua đã mang đến làn sóng đầu tư FDI mạnh mẽ vào Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng kéo theo xu hướng FDI rút khỏi Trung Quốc và tìm đến các quốc gia thay thế, trong đó Việt Nam là cái tên nổi bật.
Bên cạnh nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, gỗ tìm đến Việt Nam để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại còn có nhiều tên tuổi lớn như SamSung, LG, Panasonic, Canon, Foxcon…hay mới nhất là Apple, Goolge đang dịch chuyển đầu tư về Việt Nam trong những năm gần đây, kéo theo sự nóng lên của giá đất các Khu công nghiệp.
Hiện có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Khu Công nghiệp giao dịch trên sàn UPCom, có thể kể tới các "ông trùm" Khu công nghiệp như Sonadezi (SNZ), Becamex (BCM), Tổng Công ty Tín Nghĩa (TID), hay các doanh nghiệp trong ngành cao su với lợi thế quỹ đất rộng, có thể chuyển đổi sang Khu Công nghiệp như Nam Tân Uyên (NTC), SIP...
Cổ phiếu hàng không và cơ hội hồi phục sau dịch Covid-19
Sàn UPCom hiện có khá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hậu cần, dịch vụ của ngành hàng không như ACV, Sasco (SAS), Nasco (NAS)…Ngành hàng dù đang gặp không ít khó khăn bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước đang giúp ngành này dần hồi phục.
Bên cạnh đó, việc triển khai các dự án lớn như Sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài sẽ là yếu tố hỗ trợ cho trung, dài hạn của nhóm dịch vụ hàng không.
Cổ phiếu ngành dầu khí OIL, BSR
Trên sàn UPCom hiện có sự hiện diện của 2 "đại gia" ngành dầu khí PV Oil (OIL) và Lọc dầu Bình Sơn (BSR). Thời điểm IPO vào đầu năm 2018, OIL và BSR đều thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư trong và ngoài nước.
Sau 2 năm lên sàn chứng khoán, dù tình hình kinh doanh chưa thực sự thuận lợi bởi cả diễn biến chủ quan và khách quan, nhưng BSR và OIL vẫn thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư với thanh khoản hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên.
Thời gian tới, BSR sẽ chuyển sang niêm yết trên HNX với quy mô vốn điều lệ hơn 31.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong lúc này, BSR vẫn đang là một trong những cổ phiếu sôi động nhất sàn UPCom.
Bên cạnh những nhóm ngành kể trên, sàn UPCom hiện còn có một số doanh nghiệp quy mô "tỷ đô" với ngành nghề kinh doanh giàu tiềm năng tăng trưởng như Masan Consumer (MCH), VEAM (VEA), Masan MeatLife (MML). Đây cũng là những lựa chọn nhà đầu tư có thể quan tâm xem xét.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ