Dầu lên giá nhờ nguồn cung sụt giảm
21.03.2019
Trong phiên giao dịch ngày 20/3 tại châu Á, giá dầu Brent ở mức 67,74 USD/thùng, tăng 0,2% so với mức chốt phiên trước, còn giá dầu WTI của Mỹ ở mức 59,07 USD/thùng, tăng 0,1%.
Giá dầu tại châu Á tăng trong phiên 20/3, nhờ những nỗ lực cắt giảm nguồn cung được tiếp tục thực hiện và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela (Vê-nê-xuê-la). Tuy nhiên, những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế đã hạn chế đà đi lên của giá dầu.
Tại thị trường Singapore vào lúc 14 giờ (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao kỳ hạn ở mức 67,74 USD/thùng, tăng 0,13 USD, hay 0,2% so với mức chốt phiên trước. Trong phiên 19/3, giá dầu Brent đã tăng lên 68,2 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 16/11 năm ngoái.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (West Texas Intermediate - WTI) Mỹ giao kỳ hạn ở mức 59,07 USD/thùng, tăng 0,1%. Trong phiên 19/3, giá dầu WTI đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 12/11 năm ngoái là 59,57 USD/thùng.
Giá dầu tăng gần 1/3 trong năm nay, nhờ thỏa thuận của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các nước sản xuất khác về việc cắt giảm nguồn cung 1,2 triệu thùng/ngày, cũng như các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela.
Các nhà phân tích cho rằng kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại có thể sớm làm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, phần nào gây sức ép lên giá dầu thô. Theo khảo sát của Thomson Reuters/INSEAD, lòng tin kinh doanh ở châu Á ở mức thấp nhất gần ba năm trong quý I, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung kéo dài, gây bất lợi cho kinh tế toàn cầu.
Theo Viện Xăng dầu Mỹ, dự trữ dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của nước này bất ngờ giảm trong tuần kết thúc ngày 15/3. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự kiến sẽ công bố báo cáo tuần về sản lượng dầu thô và dự trữ vào lúc 24 giờ ngày 20/3 (theo giờ Việt Nam).
Theo người phụ trách nghiên cứu của London Capital Group, Jasper Lawler, nếu dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm, giá dầu WTI có thể tăng lên mức 60 USD/thùng lần đầu tiên trong năm nay.
Lê Minh (Theo Reuters)