Dầu khí thuận đường thoái vốn

04.10.2018

00:00/00:00

Giá dầu thế giới tăng cao đã giúp các doanh nghiệp (DN) dầu khí cải thiện kết quả kinh doanh (KQKD). Đặc biệt, kế hoạch thoái vốn nhà nước tại các DN dầu khí trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ diễn biến tích cực của giá CP trên TTCK.

Đỉnh 4 năm

Giá dầu Brent tăng vượt mốc 85USD/thùng (mức cao nhất kể từ tháng 11-2014) do thông tin Hoa Kỳ tuyên bố tái lập lệnh cấm vận đối với Iran vào tháng 8-2018. Theo đó, kể từ ngày 4-11, Hoa Kỳ sẽ sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào việc xuất khẩu dầu của Iran, đồng thời gây áp lực lên các chính phủ và các công ty trên toàn cầu để cắt giảm nhập khẩu dầu từ quốc gia Trung Đông này.

Theo sau quyết định này là việc cắt giảm lượng nhập khẩu dầu từ Iran của 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.

Bên cạnh đó, giá dầu gần đây tăng mạnh còn được hỗ trợ bởi việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga đã bác bỏ lời kêu gọi gia tăng sản lượng dầu thô của Tổng thống Donald Trump nhằm hạ nhiệt thị trường dầu mỏ. Thậm chí, theo nhận định của giới đầu tư, khả năng giá dầu sẽ quay về mốc 100USD/thùng ngay trong năm 2018.

Sự hồi phục của giá dầu được kỳ vọng giúp DN tái khởi động các dự án thăm dò và khai thác dầu khí. Trên thực tế, hệ số sử dụng giàn khoan có sự hồi phục đáng kể tại một số khu vực trên thế giới. Theo đó, giá cho thuê giàn khoan đang tạo đáy và có sự chuyển biến rõ ràng hơn, nhất là tại khu vực Đông Nam Á khi vượt qua mức 50.000USD/ngày. Đặc biệt, giá dầu hồi phục là chỉ báo tích cực đối với triển vọng ngành dầu khí.

Theo đó, các DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp khí đa số công bố KQKD khả quan, trong khi các công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thăm dò và khai thác (E&P) vẫn còn ảm đạm. Nguyên nhân do KQKD của các DN này thường có độ trễ nhất định so với giá dầu (6 tháng).



Giá dầu lên sẽ tạo thuận lợi cho BSR thoái vốn mà trước đây rất khó khăn.


Lợi nhuận giảm, giá vẫn tăng

KQKD quý II của DN dầu khí đã phản ánh đúng nhận định trên. Cụ thể, các DN E&P có tăng trưởng lợi nhuận âm, thậm chí thua lỗ nặng, như Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS) giảm 24%, Tổng CTCP Dung dịch khoan và Hóa phẩm dầu khí (PVC) giảm 68%, CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) lỗ 68 tỷ đồng. Phía ngược lại, các DN ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực có thể kể đến, như Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) đạt 3.071 tỷ đồng (tăng 68%), CTCP Tập đoàn Xăng dầu (PLX) đạt 1.178 tỷ đồng (tăng 50%), CTCP Gas Petrolimex (PGC) đạt 46 tỷ đồng (tăng 23%), CTCP Kinh doanh khí Miền Bắc (PVG) đạt 4 tỷ đồng (tăng 131%), CTCP Xăng dầu dầu khí Phú Yên (PPY) đạt 6 tỷ đồng (tăng 51%), CTCP Nhiên liệu Sài Gòn (SFC) đạt 9 tỷ đồng (tăng 18%).

Điều đáng nói, dù KQKD không đồng nhất, nhưng nhóm CP dầu khí vẫn đồng loạt đi lên trước thông tin khả quan về giá dầu. Đơn cử, GAS tăng vượt mốc 120.000 đồng/CP, PLX vượt 70.000 đồng/CP, PVD vượt 20.000 đồng/CP, PVS vượt 24.000 đồng/CP, PGC vượt 15.000 đồng/CP, PGS (CTCP Kinh doanh khí Miền Nam) vượt 30.000 đồng/CP, PJC (CTCP Thương mại và Vận tải Petrolimex) vượt 50.000 đồng/CP, BSR (CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn) vượt 20.000 đồng/CP, OIL (Tổng công ty Dầu Việt Nam) vượt 17.000 đồng/CP, PMG (CTCP Đầu tư và Sản xuất Petro Miền Trung) vượt 20.000 đồng/CP, POW (Tổng công ty Điện lực dầu khí) vượt 16.000 đồng/CP.


Không lo giá

Theo đề án cơ cấu toàn diện ngành dầu khí giai đoạn 2017-2025, PVN sẽ triển khai thoái vốn sớm nhất có thể khỏi 2 lĩnh vực là dịch vụ (trước và sau năm 2020) và điện (trước và sau năm 2025) để tập trung 3 lĩnh vực cốt yếu là thăm dò - khai thác, khí và chế biến dầu khí. Cụ thể, trong giai đoạn 2017-2020, PVN sẽ hoàn thành cổ phần hóa 3 đơn vị BSR, POW và OIL.

Giai đoạn 2021-2025, PVN tiếp tục cổ phần hóa, thoái vốn với mục tiêu đến năm 2025 chỉ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ tại 3 đơn vị Tổng công ty Thăm dò - Khai thác dầu khí (PVEP), Công ty liên doanh Dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) và GAS. Ngoài ra, PVN sẽ nắm dưới 50% vốn điều lệ tại nhiều DN đang niêm yết, như Tổng CTCP Hóa chất và Phân bón dầu khí (DPM), Tổng CTCP Vận tải dầu khí (PVT), PVS, PVD, OIL, BSR, POW.

ĐTTC số báo ngày 9-8 có bài viết “Cổ phần hóa, thoái vốn DNNN: Chông chênh giá cả - thị trường”, đề cập những khó khăn trong việc thoái vốn nhà nước, nguyên nhân chính do sự suy giảm của TTCK khiến giá CP dầu khí sụt giảm sâu. Thời điểm đó, giá CP GAS đang giao dịch dưới mốc 100.000 đồng/CP. Tuy nhiên, ở mức giá hơn 12.0 như hiện nay, áp lực thoái vốn để không gây thiệt hại cho Nhà nước đã phần nào được giảm bớt.

Ông Lê Như Linh, Chủ tịch HĐQT GAS, từng chia sẻ thành công của các đợt thoái vốn nhà nước tại Vinamilk (VNM) và Sabeco (SAB), đã tạo nên áp lực rất lớn cho DN. Nếu đưa ra mức giá cao nguy cơ ế, ngược lại đưa ra mức giá thấp sẽ gây thiệt hại cho vốn nhà nước. Thậm chí, cuối tháng 8, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương xin lùi việc thoái vốn tại GAS để cân nhắc lựa chọn thời điểm nhằm đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất và có thể kéo dài sau năm 2020.

Tương tự là trường hợp của POW. Theo kế hoạch, PVN sẽ tiếp tục bán 29% cổ phần và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 51%. Nhưng đến nay PVN vẫn chưa công bố thời điểm cụ thể do giá CP diễn biến không thuận lợi. Hiện tại, với mức giá đạt trên 1.6, kế hoạch thoái vốn sẽ được đẩy nhanh hơn để tận dụng mức giá cao trên TTCK.
Trước đó, DN này chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 468 triệu cổ phần (tương đương 20% vốn điều lệ), với giá đấu thành công bình quân chỉ 14.938 đồng/cổ phần, thu về 6.987 tỷ đồng. Giá CP của 2 DN cùng nằm trong kế hoạch thoái vốn với POW là OIL và BSR cũng được đánh giá khá tốt so với mức giá khởi điểm của đợt IPO trước đó 13.400 đồng/cổ phần và 14.600 đồng/cổ phần.



Kim Giang
Nguồn: http://saigondautu.com.vn

Đầu trang