Dầu khí - ngành điển hình về khó khăn và kịch tính
19.06.2020
Nhờ có những chuyến đi cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong những năm qua, tôi đã sở hữu một số tác phẩm báo chí in trong các tập sách của mình: “Cam Ranh - nơi tình bạn đã được thử thách qua thời gian”, “Kỷ vật từ đáy Biển Đông”, “Ngàn dặm dưới đáy biển”…
Một vị lãnh đạo PVN nói với tôi rằng, ông từng đi công cán tới nhiều vùng sa mạc, nhưng lần đến thăm mỏ dầu người Việt Nam đang khai thác tại Sahara mới thấy thực sự khốc liệt, màu trắng toát chết chóc kéo dài tới tận chân trời. Các công nhân, kỹ sư bám trụ ở đây kể, một người bản xứ trên đường chở hàng đến giếng khoan thì hỏng xe, sóng di động không có để cầu cứu, nên khi được tìm thấy thì người xấu số ấy đã chết khô trong xe dưới cái nóng như thiêu.
Ngẫm ra, người dầu khí toàn làm việc ở những nơi đầu sóng ngọn gió, trên sa mạc, trong rừng thẳm, giữa biển khơi hoặc ở những miền băng giá vĩnh cửu. Nghe nói, giữa rừng già Amazon, người làm dầu khí Việt Nam chỉ sống quanh quẩn bên giếng khoan, không dám đi đâu xa vì sợ thổ dân “bắt cóc và làm thịt”.
Cán bộ, kỹ sư PVEP làm việc tại sa mạc Sahara
Dầu khí là một ngành điển hình về khó khăn và kịch tính. Chẳng hạn ở Algeria, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) thăm dò từ đầu những năm 2000 mà hàng chục năm sau mới thu được dòng dầu đầu tiên. Nhiệt độ có ngày lên tới 50-600C, ra khỏi cửa như bị hắt lửa vào mặt; ngủ dậy thấy cát sa mạc phủ lên người như một tấm chăn mỏng, nhưng chẳng ai có thời gian nghĩ đến những việc đó.
Công nhân muốn đi ra ngoài phải báo với chính quyền nước chủ nhà trước 72 giờ, bao giờ cũng có 8 tay súng bảo vệ trước - sau đoàn xe di chuyển. Có khi vị trí xảy ra khủng bố chỉ cách giàn khoan của ta chừng 140km, rất nguy hiểm. Anh em công nhân ở trong các container đồng thời có cả hầm trú ẩn, giống như hầm De Castrie ở Điện Biên Phủ, mà chỗ ấy lại mát mẻ nên... rắn sa mạc rất hay bò vào. Lãnh đạo PVEP thường xuyên phải động viên người lao động bám trụ. Khi tìm thấy một vỉa nước ngọt nằm ở độ sâu dưới cát bỏng 1.000m, mọi người bắt tay ngay vào trồng 3 loại cây có sức chịu hạn khắc nghiệt là cam, chà là và hoa giấy. Thời đại công nghệ nên ở Việt Nam cũng có thể theo dõi mấy cái cây hiếm hoi ấy lớn từng ngày.
Đào tạo lặn thi công tại PVMTC
Ở PVN có không ít những câu chuyện rất giàu chất văn học như vậy.
Có đi mới biết, hơn 40 năm qua, ở nước ta đã tồn tại một nghề chuyên nghiệp hết sức đặc biệt: Làm việc dưới đáy biển. Giữa muôn trùng nước, công việc này đầy rẫy áp lực, theo đúng nghĩa đen của nó. Đó là những người thợ lặn nước sâu của Trường Cao đẳng Dầu khí (PVMTC). Đội lặn là thành viên chính thức, duy nhất của Việt Nam do IMCA - Hiệp hội Các nhà thầu hàng hải quốc tế công nhận. Đội có thể khảo sát, xây lắp, sửa chữa công trình ngầm; khảo sát các tuyến ống dẫn dầu, khí; khảo sát bảo dưỡng tàu biển; trục vớt, cứu nạn. Người công nhân lặn sâu dưới nước có thể làm mọi việc, hàn cắt như ở trên bờ. Trước đây, PVMTC áp dụng bậc thợ từ 1 đến 4 để đánh giá tay nghề, nhưng nay người được xếp hạng cao nhất là giám thị lặn. PVMTC đã đào tạo người cả cho quân đội và đang có kế hoạch đào tạo cho Cảnh sát biển.
Quy trình tuyển một thợ lặn nước sâu có độ khó tương đương với tuyển phi công. Ban đầu, PVMTC thông báo tuyển rộng rãi, yêu cầu đầu tiên là có giấy khám sức khỏe sơ bộ; tiếp đó thành lập Hội đồng kiểm tra sức khỏe của thí sinh theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Thí sinh sẽ phải trải qua mọi bài kiểm tra, đáng lưu ý nhất là được đưa vào phòng đạp xe để đo điện tim gắng sức, phải đạp bằng 100% thể lực, khiến cơ thể bộc lộ hết ưu khuyết điểm của tim, não, phổi. Tim khi ấy có nhịp đập khác hẳn thường lệ, cho thấy chủ nhân của nó có đủ sức đảm đương công việc dưới đáy biển hay không... Mỗi đợt tuyển quy mô như vậy nhưng chỉ chọn được khoảng hai chục thanh niên trai tráng. Sau đó là quá trình đào tạo kéo dài vài năm, không chỉ lặn mà người thợ còn phải biết nhiều nghề khác nhau và mỗi nghề đều được cấp chứng chỉ riêng.
Bảo dưỡng chân đế giàn khoan tại mỏ Bạch Hổ
Ở mức âm 10m dưới mực nước biển, áp lực nước đã có thể lấy mạng người, nhưng người thợ lặn chuyên nghiệp của PVMTC có thể xuống nước và làm việc tại độ sâu tới âm 75m. Họ sử dụng các trang thiết bị cao cấp, đồng hồ đo độ sâu, quần áo cao su để giữ thân nhiệt, có cả dao và súng, kết nối với đồng nghiệp bằng dây truyền sinh. Đây là sợi dây dẫn khí thở từ trên mặt nước xuống, đồng thời là đường truyền điện kiêm kết nối các thiết bị khác, như camera giám sát. Nếu dây truyền sinh bị trục trặc dẫn khí, người thợ có thể sử dụng bình khí oxy dự phòng sau lưng hoặc nếu gặp các bất trắc khác, họ có thể giật dây để báo động với đồng đội.
Công việc của người thợ lặn sâu không hề dễ dàng, chẳng hạn như chuyện hàn dưới đáy biển. Trước đây, đội lặn sử dụng công nghệ hàn trong môi trường nước nhưng hiệu quả không cao về kỹ thuật, mũi hàn nguội nhanh, dễ nứt nên đã triển khai hàn khô, tức là hàn dưới nước trong môi trường không khí. Để làm được việc này cần đưa một cái chuông xuống, chuông được chế tạo riêng phù hợp với từng đầu việc, sau đó ép nước ra ngoài rồi mới tiến hành hàn.
Đội lặn có biên chế 15-20 người, tùy theo công việc; phải có một thợ lặn khẩn cấp túc trực trên tàu để sẵn sàng ứng cứu cho một thợ chính (thợ cả) và một thợ phụ tá (thợ 2) làm việc dưới biển; 3 người điều khiển dây truyền sinh; bác sĩ, thợ máy; một giám thị lặn trực trong container. Tại buồng điều khiển, người giám thị vốn đã có kinh nghiệm dày dạn về nghề lặn, có thể thấy rõ các hình ảnh truyền về từ đáy sâu qua camera và nghe rất rõ từng hơi thở của bạn nghề đang làm việc, để từ đó có thể ban hành các mệnh lệnh hợp lý, chính xác. Một đội lặn nếu phải làm cả ngày cả đêm có thể lên đến 22-23 người. Tuy nhiên, nếu xét tới khối lượng công việc thì cả một đội thợ làm việc dưới biển chỉ bằng một thợ chính và một thợ phụ làm việc trên bờ, do đó chi phí rất lớn. Một con tàu chở thợ lặn ra khơi nếu để đào tạo thì riêng thiết bị mang theo đã khoảng 2 container, nếu để làm việc thực sự thì phải mang 3-4 container, tùy theo yêu cầu công việc. Có những cái van nằm sâu dưới nước phải quay tổng cộng tới 480 vòng mới mở được, quay bằng tay, điểm tì của người đang bơi không có nên phải làm nhiều lần, nhiều ca thay nhau lặn xuống mới quay xong.
Hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của PVEP tại Algeria
Sau mỗi lần làm việc trong môi trường nước sâu, người thợ lặn buộc phải nghỉ 24 giờ; định kỳ khám sức khỏe 6 tháng một lần về bệnh nghề nghiệp, chủ yếu là kiểm tra bệnh giảm áp. Đây là bệnh đặc trưng của thợ lặn, có thể gây tử vong hoặc hủy hoại sức lao động nếu làm việc không đúng phương pháp hoặc không được cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, kể từ năm 1978 đến nay, PVMTC chưa có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra. Mùa đi biển của người thợ lặn nước sâu Việt Nam kéo dài khoảng 8 tháng, từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 10, lúc này thường sóng yên biển lặng. Thời gian còn lại gió mùa gây ra những con sóng cao chừng 2m, lặn hết sức khó khăn và nguy hiểm. Bởi vậy, người thợ lặn nước sâu làm nghề theo mùa biển, khi sóng cồn gió dữ, họ dành thời gian học tập, rèn luyện thể lực.
Ở độ sâu âm 30m dưới mực nước biển, không gian xanh bắt đầu mờ dần, tối dần đến mức tối đen ngày cũng như đêm. Trong lãnh địa này, ánh sáng mặt trời không đủ sức soi rọi tới. Ánh sáng đèn trên đầu người thợ lặn thu hút những con cá nhỏ hiếu kỳ tiến lại gần, đủ để thấy rõ vô số những huyền phù lơ lửng nơi đáy biển. Thi thoảng những người thợ lặn cũng gặp cá heo nổi lên trên mặt nước, thậm chí có lần còn gặp cả cá voi khi làm công trình cho Cửu Long JOC...
Có những công việc dù máy móc hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế được con người. Chân móng mỏ Rạng Đông là nơi sâu nhất mà người thợ Việt Nam từng lặn xuống, nhưng đây chưa phải là đích cuối cùng. PVMTC có kế hoạch đưa con người xuống làm việc ở độ sâu âm 300m, gấp 4 lần độ sâu hiện tại. Tôi tự hỏi rằng, mấy chục năm qua, người thợ lặn Việt Nam đã thầm lặng đi hết bao nhiêu dặm trường dưới đáy biển? Hàng ngàn dặm, có lẽ là như vậy.
Tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, tôi từng được tặng một khối vật chất nhỏ lấy lên từ mỏ Bạch Hổ, ở độ sâu chừng 5.000m của thềm lục địa, dưới đáy Biển Đông. Hẳn nó đã qua tay nhiều chuyên gia, trải qua nhiều lần nghiên cứu, đơn sơ mộc mạc nhưng hàm dưỡng cả một câu chuyện lớn lao dài hơn nửa thế kỷ đầy mồ hôi, nước mắt, nụ cười.
Đến tận bây giờ, tôi vẫn giữ khối vật chất này như một kỷ vật, để trong balo, hành trang đi làm báo của mình.
Nguyễn Huy Minh
Nguồn:https://petrotimes.vn/