Dầu giảm trong phiên cuối tuần do lo ngại về kinh tế của Trung Quốc
21.10.2019
Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần do lo ngại về kinh tế của Trung Quốc lấn át những dấu hiệu tích cực khác từ lĩnh vực lọc dầu, nhưng đà giảm bị hạn chế do hy vọng tiến bộ trong thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Dầu thô Brent kỳ hạn tháng 12/2019 đóng cửa ngày 18/10 giảm 49 US cent xuống 59,42 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn tháng 11/2019 giảm 15 US cent xuống 53,78 USD/thùng. Tính chung cả tuần, dầu Brent giảm 1,8% trong khi dầu WTI giảm 1,7%.
Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc quý 3 giảm xuống 6% so với năm trước, thấp nhất trong 27,5 năm và không hy vọng tăng trưởng cao do sản xuất yếu và căng thẳng thương mại với Mỹ kéo dài.
Tuy nhiên, sản lượng lọc dầu của Trung Quốc tháng 9/2019 tăng 9,4% so với năm trước, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu từ quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới này vẫn mạnh bất chấp kinh tế yếu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết các nhà đàm phán thương mại của Mỹ và Trung Quốc đang nghiên cứu soạn thảo một văn bản thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để các nhà lãnh đạo của họ ký vào tháng tới.
Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbusch và Associates, cho biết trong một báo cáo "hiện tại, những lo ngại liên quan đến thương mại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại đã bị đẩy ra bên lề, khi thị trường chờ đợi tin tức bổ sung về các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc".
Tranh chấp đang diễn ra đã làm gia tăng những lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu về dầu mỏ.
Hệ thống đường ống dẫn dầu và khí Forties ở Biển Bắc Anh đã mở cửa lại như kế hoạch trong ngày hôm qua sau vài giờ đóng cửa bởi sự cố sét đánh. Hệ thống vận chuyển dòng dầu thô Forties đóng góp lớn nhất cho dầu Brent.
Tại Mỹ, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã tăng số giàn khoan tuần thứ 2 liên tiếp, lần đầu tiên kể từ tháng 6/2019. Các công ty bổ sung thêm 1 giàn khoan trong tuần này, đưa tổng số giàn khoan lên 713 giàn.
Ủy ban kỹ thuật chung giám sát hiệp ước sản lượng toàn cầu giữa OPEC và các đối tác cho biết mức tuân thủ theo thỏa thuận sản lượng đạt 236% trong tháng 9.
OPEC và các đồng minh, gồm Nga đã đồng ý hạn chế sản lượng dầu 1,2 triệu thùng/ngày cho tới tháng 3/2020.
OPEC đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm 2019 xuống 0,98 triệu thùng/ngày, không đổi tăng trưởng tại 1,08 triệu thùng/ngày trong năm 2020, theo báo cáo hàng tháng mới nhất.
Nguồn: VITIC/Reuters