Công nghệ số hóa có thể giúp tiết kiệm 73 tỷ USD chi phí thăm dò khai thác dầu khí mỗi năm
19.11.2018
Công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie đưa ra nhận xét rằng các công ty năng lượng có thể tiết kiệm 73 tỷ USD/năm chi phí thăm dò và khai thác dầu khí trong vòng 5 năm bằng cách sử dụng các công nghệ máy tính hiện có một cách hiệu quả hơn.
Công nghiệp thăm dò và khai thác dầu khí, hay còn được gọi là khâu đầu, đòi hỏi các công ty năng lượng phải tiến hành phân tích xử lý khối lượng dữ liệu địa chấn và địa chất rất lớn, giám sát, duy trì vận hành các giàn khoan ngoài khơi cũng như các công trình phức tạp khác và thường trong các điều kiện môi trường có mức độ rủi ro cao.
Trong một báo cáo về vấn đề này, Wood Mackenzie (Woodmac) cho biết, nhiều công ty có thể giảm được chi phí khoan (phần lớn là ở trên đất liền và vùng nước nông), ước tính lên đến 12 tỷ USD/năm khi sử dụng các công nghệ giúp khoan nhanh hơn, chính xác hơn và hiệu quả hơn, tránh trường hợp khoan phải giếng khô, cũng như đưa vào các ứng dụng giúp dự báo thời điểm cần tiến hành bảo trì thiết bị. Ngoài ra, các công ty năng lượng cũng có thể tiết kiệm một khoản chi phí lớn khi sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây, đặc biệt đối với các công ty nhỏ, vốn không có đủ nguồn lực công nghệ máy tính nội tại.
Trong công nghiệp khoan ngoài khơi, tốc độ khoan có ảnh hưởng nhiều tới chi phí khoan, Woodmac cho biết, công nghệ số hóa và tự động hóa có thể giúp rút ngắn thời gian khoan là 2.000 ngày. Do vậy, chi phí thăm dò có thể giảm từ trung bình 50 tỷ USD/năm xuống còn khoảng 35 tỷ USD, mà vẫn gia tăng tỷ lệ phát hiện dầu khí lên 45% từ khoảng 35% hiện nay và tiết kiệm khoảng 24 tỷ chi phí vận hành khai thác dầu thô.
Trích dẫn ví dụ về các công ty đã sử dụng hiệu quả công nghệ mới, Wood Mackenzie cho hay công nghệ tự động hóa đã giúp tập đoàn Equinor của Na Uy gia tăng tốc độ khoan giếng từ 15% lên 20% đến năm 2020. Aker BP cũng đã mua phần mềm thiết kế Cognite để số hóa các tài sản và chuyển đổi từ lịch bảo trì cứng nhắc sang quy trình bảo trì linh hoạt hơn, trong khi BP đang sử dụng robot và máy bay không người lái để kiểm tra một giàn khoan ở Vịnh Mexico.
Trung tâm Đào tạo và Thông tin Dầu khí (CPTI)
Nguồn: https://petrotimes.vn