Cần sớm cập nhật chiến lược phát triển Petrovietnam
17.11.2020
Chiến lược phát triển Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được xây dựng và hoàn thiện vào quý IV/2014 khi giá dầu trung bình ở mức cao 100 USD/thùng. Những năm gần đây, kinh tế thế giới có nhiều biến động lớn, xu hướng chuyển dịch năng lượng diễn ra nhanh, mạnh mẽ, đặc biệt, giá dầu suy giảm kéo dài, tác động sâu sắc đến thị trường dầu mỏ... Trong bối cảnh đó, cần thiết phải cập nhật chiến lược của Petrovietnam phù hợp với tình hình mới.
Tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi trong định hướng chiến lược Petrovietnam
Ngày 14-10-2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển của Petrovietnam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 (Quyết định số 1749/QĐ-TTg). Đến nay, qua 5 năm thực hiện chiến lược, tình hình thực tế của lĩnh vực dầu khí so với thời điểm xây dựng chiến lược đã khác rất nhiều theo hướng thuận lợi ít đi, khó khăn, thách thức nhiều và gay gắt hơn. Công nghiệp dầu khí thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ nửa cuối năm 2014 đến nay, khiến giá dầu xuống còn 1/3 so với 5 năm trước đó, thậm chí có lúc chỉ còn 1/5, hiện nay giá dầu chỉ giao động xung quanh mức 40 USD/thùng. Cùng với nhiều vấn đề khác như chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu, tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp..., tất cả đã tạo ra những khó khăn, thách thức vô cùng lớn đối với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Đặc biệt, từ đầu năm 2020, cuộc khủng hoảng năng lượng do cú sốc của tác động kép từ dịch bệnh Covid-19 và giá dầu suy giảm đã và đang tiếp tục tạo ra những biến động lớn đến nền kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ quốc tế, làm cho giá dầu xuống thấp đến mức kỷ lục, cá biệt có thời điểm giá dầu xuống mức âm (-37 USD/thùng); nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thăm dò khai thác suy giảm nghiêm trọng; nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm liên quan đến dầu khí cũng sụt giảm mạnh trên toàn cầu.
Ngoài Petrovietnam và một số ít công ty có cấu trúc quản trị hiệu quả, nhiều công ty dầu khí trên thế giới đã hoặc đang thua lỗ trầm trọng, đứng trước nguy cơ phải giãn dự án, dừng nhà máy, sa thải nhân công, thậm chí đóng cửa, phá sản trong bối cảnh gián đoạn cung cầu hàng hóa, nguyên vật liệu, dịch vụ vận tải, giao thương... vì cách ly xã hội, phong tỏa, giới nghiêm. Nhiều dự báo cho rằng, sau đại dịch, kinh tế thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế có thể sẽ song song với sự đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng theo hướng tăng cường sử dụng các dạng năng lượng có hàm lượng carbon thấp.
Thực tế, cuộc CMCN 4.0 cùng xu hướng chuyển dịch năng lượng đang diễn ra với tốc độ nhanh, mạnh mẽ. Chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các loại năng lượng ít phát thải khí carbon là xu hướng tất yếu đang diễn ra trên toàn cầu. Các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới đều đã công bố kế hoạch đa dạng hóa nguồn năng lượng, khai thác nguồn năng lượng mới hiệu quả, sạch hơn và thỏa mãn người tiêu dùng hơn.
Bên cạnh đó, ở trong nước hiện nay, các mỏ dầu khí truyền thống sau thời gian dài khai thác đã suy giảm mạnh về trữ lượng và sản lượng, cần phải đầu tư tận khai thác và triển khai thăm dò, khai thác ra các vùng biển sâu, xa bờ của thềm lục địa nước ta, giá thành thăm dò, khai thác ngày càng cao, rủi ro lớn.
Người lao động Dầu khí
Trong tình hình đó, các cơ chế chính sách ưu đãi trước đây đã không còn hấp dẫn, không phù hợp với tiềm năng trữ lượng dầu khí hiện tại. Khu vực hoạt động dầu khí trong nước cũng gặp nhiều khó khăn, do tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, căng thẳng, mất ổn định. Do đó, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí hết sức khó khăn.
Trước tình hình nhiều biến động lớn và đầy khó khăn, rủi ro của ngành Dầu khí, để phát triển bền vững, đòi hỏi Petrovietnam phải nhanh chóng thay đổi, bám sát xu thế phát triển kinh tế - kỹ thuật - công nghệ của thế giới và chiến lược phát triển của Việt Nam. Vì thế, các mục tiêu trong định hướng chiến lược phát triển Petrovietnam đã phê duyệt cũng cần được điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với tình hình thực tế, cũng như nguồn lực của Petrovietnam hiện nay và trong các năm tới.
Tổng giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nhận định, việc cập nhật chiến lược là nhiệm vụ quan trọng, trực tiếp ảnh hưởng đến định hướng phát triển của Petrovietnam trong những năm tới. Do đó, Petrovietnam cần tập trung nghiên cứu, xây dựng, góp ý hoàn thiện chiến lược sớm nhất, trong đó lưu ý đưa ra các giải pháp cụ thể, hiệu quả, phù hợp để hiện thực hóa việc triển khai chiến lược, tạo động lực cho Petrovietnam phát triển ổn định, hiệu quả, an toàn, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh của tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước.
Có thể nói, việc sớm điều chỉnh chiến lược phát triển Petrovietnam cho phù hợp với tình hình dầu khí thế giới, tiềm năng dầu khí trong nước là yêu cầu cấp bách, bảo đảm tính logic, khoa học và khả thi của chiến lược; bảo đảm Petrovietnam phát triển ổn định, bền vững và thân thiện với môi trường, phù hợp với xu hướng chuyển đổi năng lượng trên thế giới, cũng như phù hợp với định hướng phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/