Các nhà máy lọc hóa dầu sẽ phát triển theo chuỗi chế biến sâu
23.07.2020
Theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, trong thời gian tới, các nhà máy lọc hóa dầu cần tận dụng vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và tài sản đã đầu tư để phát triển theo chuỗi chế biến sâu, kết nối chuỗi cung ứng giữa các nhà máy.
Lĩnh vực lọc hóa dầu của PVN đang đối diện với nhiều khó khăn
Nhiều biến động
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cho biết, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn ngành dầu khí đối mặt với không ít khó khăn đến cả từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Giá dầu thô diễn biến phức tạp, biên lợi nhuận lọc dầu trên thị trường quốc tế giảm mạnh trong vòng nhiều năm trở lại đây đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà máy lọc hóa dầu (NMLHD) của PVN.
Mặt khác, Việt Nam đang và sẽ tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương nên các hàng rào thuế quan dần dần được gỡ bỏ khiến các sản phẩm sản xuất trong nước, đặc biệt xăng dầu, hóa chất, phân bón chịu sự cạnh tranh gay gắt của sản phẩm nhập khẩu.
NMLHD Nghi Sơn bắt đầu đi vào vận hành thương mại, tương tự như các NMLHD khác, giai đoạn đầu vận hành chưa ổn định trong bối cảnh thị trường các sản phẩm xăng dầu thế giới không thuận lợi và gặp sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm xăng dầu nhập khẩu. Nguồn khí cho các nhà máy đạm bắt đầu thiếu hụt, chi phí giá khí tăng trong bối cảnh Nhà nước ưu tiên nguồn khí cho sản xuất điện đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các nhà máy đạm. Bên cạnh đó, nguồn dầu thô từ mỏ Bạch Hổ cho NMLHD Dung Quất suy giảm, phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu nhập khẩu thay thế.
Dịch bệnh Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 cùng với giá dầu giảm sâu cũng đã khiến khó khăn của lĩnh vực lọc hóa dầu tăng thêm bội phần. Tình hình sản xuất xăng dầu trở nên khó khăn do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu giảm 30-40% so với cùng kỳ, tồn kho tăng cao, biên lợi nhuận giữa giá sản phẩm và giá dầu thô giảm mạnh.
PVN cho biết, để đối mặt với những khó khăn thách thức và biến động, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm nâng cao năng lực sản xuất của lĩnh vực lọc hóa dầu. Trong đó, quyết liệt thực hiện triệt để các nhóm giải pháp về quản trị, tài chính, đầu tư và thị trường, cơ chế chính sách nằm trong bộ giải pháp tổng thể đã được Tổng giám đốc PVN ban hành tại Quyết định số 110/QĐ-DKVN.
Thay đổi để thích ứng
Theo PVN, về chiến lược đầu tư phát triển, các NMLHD cần tận dụng vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và tài sản đã đầu tư để phát triển theo chuỗi chế biến sâu, kết nối chuỗi cung ứng của các nhà máy để tiết giảm chi phí. Cùng với đó, đầu tư phát triển một số ngành dịch vụ then chốt trực thuộc PVN để tự chủ sản xuất kinh doanh ở mức độ nhất định khi xảy ra biến cố trong khu vực và thế giới.
Đầu tư mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao công nghệ phục vụ chế biến sâu, phát triển sản phẩm hóa dầu, hóa chất mới có giá trị gia tăng cao cũng là giải pháp được tính đến nhằm đối phó với những biến động có thể xảy ra trong tương lai.
Đối với quản trị và khoa học công nghệ, lọc hóa dầu tiếp tục duy trì các nhà máy khâu sau vận hành an toàn, ổn định ở công suất hợp lý, đạt hiệu suất cao nhất. Đẩy mạnh thực hiện chương trình tối ưu hóa tiết kiệm năng lượng, giảm tiêu hao năng lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà máy khâu sau. Bên cạnh đó, từng bước áp dụng phương thức, công cụ quản trị tiên tiến, nghiên cứu chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả khai thác tài sản hiện có.
Vấn đề nguồn nguyên liệu cũng cần được chú trọng quan tâm nhằm nghiên cứu tìm các giải pháp để thay thế, bổ sung nguồn nguyên liệu thiếu hụt bằng các nguồn nguyên liệu, năng lượng ổn định khác như năng lượng tái tạo, than, LPG, LNG, Naphtha...; xem xét việc sử dụng các sản phẩm trung gian giữa các nhà máy trong nước hoặc nhập khẩu; thiết lập đối tác chiến lược, thỏa thuận khung dài hạn để đảm bảo nguồn nguyên liệu dầu thô và khí cho các NMLHD.
Cùng với vấn đề đầu vào, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng đóng vai trò quan trọng. Do đó, cần thiết lập hệ thống dự báo tốt về thị trường. Cùng với đó, tập trung đầu tư hệ thống phân phối và bán lẻ để chiếm lĩnh thị trường các sản phẩm.
Theo PVN, NMLHD Nghi Sơn và NMLHD Dung Quất cần tiếp tục rà soát, đánh giá đưa ra các giải pháp để vượt qua khó khăn, kiện toàn mô hình tổ chức vận hành sản xuất, tiết giảm chi phí hoạt động, cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp phối hợp hỗ trợ giữa NMLHD Dung Quất và NMLHD Nghi Sơn trong sản xuất kinh doanh và thương mại thị trường để đạt được lợi ích tối ưu nhất cho Nhà nước và PVN.
Minh Hữu
Nguồn:https://baophapluat.vn/