Bộ Công Thương: Đảm bảo cung ứng xăng dầu trong năm 2024

19.09.2024

00:00/00:00

Sáng ngày 18/9, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp về tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cuối năm 2024.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương Phan Văn Chinh chủ trì cuộc họp. Tham dự có đại diện các doanh nghiệp đầu mối, sản xuất, kinh doanh xăng dầu.

Doanh nghiệp nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu

Thông tin về tình hình thực hiện nguồn cung xăng dầu 8 tháng đầu năm 2024 và tổng nguồn xăng dầu tối thiểu phân giao năm 2024, bà Nguyễn Thúy Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại.


Toàn cảnh cuộc họp về cung ứng xăng dầu - Bộ Công Thương.

Về sản xuất, theo báo cáo của 2 nhà máy, sản xuất 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 11,4 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đối với nhập khẩu, theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu xăng dầu các loại 8 tháng năm 2024 khoảng 8,256 triệu m3 tấn, giảm 4,3% so với cùng kỳ.

“Như vậy, theo báo cáo của 2 nhà máy và Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 8 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 19,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại (nhập khẩu chiếm 42%, sản xuất trong nước chiếm 58%”, bà Nguyễn Thúy Hiền thông tin.

Theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 8 tháng đầu năm 2024 đạt 18,16 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 63,7% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, tương đương với 8 tháng đầu năm 2023.

Về tiêu thụ 8 tháng đầu năm 2024, cả nước tiêu thụ khoảng 18 triệu m3/tấn (bình quân tiêu thụ khoảng 2,25 triệu m3/tấn/tháng xăng dầu các loại), tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Tồn kho 8 tháng năm 2024 khoảng 1,95 triệu m3/tấn, tương đương 8 tháng đầu năm 2023.

8 tháng đầu năm, số lượng thương nhân thực hiện tổng nguồn là 34 thương nhân, giảm 2 thương nhân so với đầu năm 2024 (1 thương nhân bị thu hồi Giấy xác nhận và 1 thương nhân hết hiệu lực Giấy xác nhận). Có 22/34 thương nhân thực hiện đạt trên 60% kế hoạch thực hiện tổng nguồn tối thiểu phân giao năm 2024, trong đó có 6 thương nhân đạt cao, vượt trên 100%.

Đầu tháng 9 vừa qua, bão Yagi (bão số 3) đã ảnh hưởng trực tiếp đến một số tỉnh miền Bắc nước ta, trong đó có các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Ông Trịnh Quang Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, do ảnh hưởng bởi bão số 3 và hoàn lưu sau bão, các hội viên của Hiệp hội gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ... Đến thời điểm hiện nay, có cửa hàng vẫn ngập sâu 3 m nước.

Tuy nhiên, thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ Công Thương, nước rút đến đâu, các doanh nghiệp, thương nhân xăng dầu tổ chức bán hàng đến đó. Đây là điều cần hoan nghênh vì doanh nghiệp đã rất cố gắng sản xuất, lưu thông, tổ chức kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Không để đứt gãy cung ứng xăng dầu

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Thúy Hiền thông tin thêm: Về sản xuất, dự kiến 4 tháng cuối năm 2024, 2 Nhà máy Bình Sơn và Nghi Sơn sản xuất khoảng 6,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại; Về nhập khẩu, ước nhập khẩu 4 tháng cuối năm khoảng 3,6 triệu m3/tấn xăng dầu các loại; Tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu khoảng 10,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại; Ước tiêu thụ 4 tháng cuối năm 2024 khoảng hơn 8 triệu m3/tấn (bình quân khoảng hơn 2 triệu m3/tấn/tháng); Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.

Dự kiến đến hết năm 2024, lượng xăng dầu đủ cung ứng cho cả nước, dự trữ khoảng 2 triệu

tấn.

“Nếu không có yếu tố đột biến, nguồn cung xăng dầu năm 2024 đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân”, bà Nguyễn Thuý Hiền khẳng định.

Đồng thời, bà Nguyễn Thuý Hiền cũng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên; Rà soát, đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định; Tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu...”.

Tại cuộc họp, một số thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có đề xuất điều chỉnh giảm mức tổng nguồn xăng dầu được phân giao cho cả năm 2024. Theo lý giải của các doanh nghiệp, hiện nay, nhu cầu của người dân về cơ bản sẽ không có sự tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão; một số doanh nghiệp bị lỗ do những tháng gần đây giá xăng dầu giảm mạnh, trong khi lượng dự trữ của doanh nghiệp phải đảm bảo trong 20 ngày nên việc cân đối đang gặp khó khăn.

Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Bộ Công Thương, ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước bày tỏ sự cảm ơn đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu đã nỗ lực đảm bảo đủ nguồn cung cho nhu cầu sử dụng của người dân, đặc biệt là trong giai đoạn bão lũ. Trong cuộc họp của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn với Bộ Công Thương chiều qua (17/9), Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Công Thương trong đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu, trong đó có xăng dầu. “Đây là nỗ lực, thành quả chung của Bộ Công Thương, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Từ nay đến cuối năm, tình hình thị trường xăng dầu còn có những diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết cũng sẽ có những diễn biến khó lường, bão lũ có thể xảy ra. Do đó, Bộ Công Thương sẽ cân nhắc thật kỹ về vấn đề xin điều chỉnh giảm tổng nguồn được phân giao của các doanh nghiệp.

“Bộ Công Thương sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu thật kỹ đề xuất của doanh nghiệp để trong bối cảnh nào, vẫn phải đạt được mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung ứng xăng dầu cho nhu cầu sử dụng trong nước”, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Đầu trang