Bản tin Năng lượng Quốc tế 21/2: Nhu cầu dầu toàn cầu cao kỷ lục trong tháng 12
22.02.2023
PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.
1. Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 77,13 USD/thùng - tăng 1,03%, trong khi giá dầu Brent dừng lại ở mức 83,79 USD/thùng - tăng 0,95%.
Giá dầu tăng trở lại nhờ sự lạc quan về nhu cầu của Trung Quốc, việc các nhà khai thác lớn tiếp tục hạn chế sản lượng và kế hoạch kiềm chế nguồn cung của Nga.
2. Tuần trước, Liên minh châu Âu đã chứng kiến mức trần đối với giá khí đốt tự nhiên có hiệu lực với hy vọng hạn chế nguy cơ lặp lại đợt tăng giá khí đốt của năm ngoái lên hơn 350 USD/MWh.
Đề xuất ban đầu của Ủy ban châu Âu là giới hạn giá khí đốt ở mức 275 euro mỗi MWh, hoặc 287 USD nếu giá này không đổi trong hai tuần trên thị trường giao ngay.
3. Cuộc họp ngày 20/2 của các Bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu đã không dẫn đến việc thông qua các quy tắc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch khi các nước châu Âu tranh luận về việc phân loại năng lượng hạt nhân như một phần của quá trình chuyển đổi năng lượng.
Cuộc họp nhằm mục đích đạt được thỏa thuận chung như một chính sách thống nhất của EU tại Hội nghị thượng đỉnh COP 28 của Liên hợp quốc sẽ diễn ra vào tháng 12.
4. Gas Buddy cho biết giá trung bình trên toàn quốc cho một gallon xăng ở Mỹ dường như đang giữ ổn định, song mức giá này có thể bắt đầu tăng từ tháng tới.
Dữ liệu của Gas Buddy cho thấy vào ngày 20/2, mức trung bình toàn quốc cho một gallon xăng giữ ổn định ở mức 3,37 USD, giảm 2,7 cent so với một tháng trước và thấp hơn 14,5 cent so với thời điểm này năm ngoái. Người tiêu dùng Texas và Mississippi đang trả ít tiền xăng nhất, dưới 3 USD mỗi gallon. Trong khi đó, cư dân California và Nevada đang trả 4 USD cho mỗi gallon, và California trả 4,66 USD/gallon.
5. Nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,3 triệu thùng mỗi ngày lên mức cao kỷ lục mới trong tháng 12 năm ngoái, với tổng nhu cầu cao hơn 102% so với mức trước Covid vào tháng 12/2019, dữ liệu từ Tổ chức Sáng kiến dữ liệu chung (JODI) cho thấy hồi đầu tuần này.
Theo dữ liệu của JODI được chia sẻ bởi Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF), mức tiêu thụ gia tăng ở Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc đã thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong tháng cuối năm 2022. Tại Nhật Bản, tổng nhu cầu sản phẩm tăng 512.000 thùng/ngày lên mức cao nhất trong 12 tháng.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/