Ba lí do khiến giá dầu chững lại trong thời gian gần đây
27.08.2020
Mặc dù tồn kho dầu thô giảm và các nước thành viên OPEC+ tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận cắt giảm đề ra trước đó, giá dầu vẫn không có sự bứt phá trong vài tuần qua đã gây thất vọng cho các nhà đầu cơ dầu, tạo ra mối lo mới cho thị trường dầu mỏ.
Theo trang Oilprice, sau đợt phục hồi ngắn ngủi, giá dầu giảm trở lại ở mức thấp quen thuộc 40 USD/thùng sau khi bộ Lao động thông báo số người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp trong tuần trước là hơn 1,1 triệu người.
Điều này diễn ra chỉ một tuần sau khi số người xin thất nghiệp giảm xuống dưới mốc 1 triệu lần đầu tiên kể từ tháng 3, do đó làm dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của sự phục hồi kinh tế.
Tariq Zahir, thành viên quản lý chương trình vĩ mô toàn cầu tại Tyche Capital Advisors LLC trả lời phỏng vấn Bloomberg: “Tất cả các tiêu đề tăng giá mà chúng ta đã thấy trong những tuần qua liên quan đến hàng tồn kho, việc không thể tăng cao hơn không phải là điềm báo tốt.
Giá dầu thô không thể có màn tăng giá bứt phá và chúng ta đang ở trong một thị trường bù hoãn mua, vì vậy rủi ro là giảm giá”.
Biến động giá dầu đã trở lại mức trước khủng hoảng và dường như không gì có thể khiến thị trường bắt đầu hoạt động vào thời điểm này.
Dưới đây là ba lí do tại sao giá dầu có thể vẫn ở trong tình trạng trì trệ lâu hơn nhiều so với những gì các nhà đầu cơ có thể hi vọng.
Nguồn cung dư dầu thô khác
Nguồn cung dồi dào và thiếu kho chứa là lí do lớn nhất khiến giá dầu lần đầu tiên trượt dốc xuống mức âm trong tháng 4.
Hiện tại tình hình đã tốt hơn nhiều so với 4 tháng trước, đó là lí do tại sao giá dầu đã có một sự phục hồi khả quan.
Theo dữ liệu của EIA, tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 10,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 24/7 và sau đó mức giảm lần lượt là 7,4 triệu thùng, 4,5 triệu thùng và chỉ 1,6 triệu thùng trong ba tuần tiếp theo.
Tuy nhiên xu hướng giảm này có thể sớm thay đổi và tồn kho dầu thô có thể bắt đầu tăng trở lại, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với giá dầu.
Những lo lắng về tồn kho dầu thô này không được giải quyết bởi thực tế chúng xuất hiện cùng thời điểm OPEC+ nới lỏng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Bắt đầu từ tháng này, OPEC đã nới lỏng mức cắt giảm lớn nhất trong lịch sử, từ 9,7 triệu thùng/ngày xuống còn 7,7 triệu thùng/ngày.
Harry Tchilingurian, người đứng đầu chiến lược hàng hóa của BNP Paribas trả lời phỏng vấn Bloomberg rằng ông lo ngại sản lượng OPEC+ có thể tăng cùng thời điểm với sự phục hồi không đồng đều của nhu cầu dầu.
Công ty năng lượng Rystad Energy cũng đã cảnh báo rằng nguồn cung dư mới có thể lại tiếp tục xuất hiện sau khi OPEC+ nới lỏng cắt giảm sản lượng.
“Thử nghiệm của OPEC nhằm tăng sản lượng từ tháng 8 có thể phản tác dụng vì chúng tôi vẫn chưa giải quyết được các vấn đề về nhu cầu dầu. Thị trường chất lỏng tổng thể sẽ quay trở lại tình trạng dư thừa nguồn cung nhỏ và thâm hụt sẽ không xảy ra cho đến tháng 12/2020”.
Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, bộ trưởng năng lượng Arab Saudi, cố gắng xoa dịu những lo ngại cho rằng việc nới lỏng đã đến quá sớm bằng cách chỉ ra rằng các quốc gia không tuân thủ cam kết trong tháng 5 và tháng 6 sẽ bù đắp bằng cách cắt giảm sản lượng trong những tháng tới. Tuy nhiên với OPEC+ không có gì là đảm bảo cả.
Sự không chắc chắn của COVID-19
Phần lớn sự tăng giá giá dầu và cổ phần gần đây là do thị trường lạc quan rằng vaccine COVID-19 sẽ sớm trở thành hiện thực.
Trên toàn cầu hiện có 185 nhóm nghiên cứu tham gia vào cuộc chạy đua để tìm ra một loại vaccine với bảy loại đã đi đến giai đoạn cuối của các thử nghiệm hiệu quả qui mô lớn.
Tuy nhiên, việc phát triển vắc xin thích hợp thường là một quá trình rất dài với tính an toàn thường được ưu tiên hàng đầu.
Hiện vẫn chưa có mốc thời gian rõ ràng về thời điểm một loại vaccine khả thi và an toàn có thể tung ra thị trường đại chúng, cho nên nền kinh tế toàn cầu và thị trường dầu mỏ vẫn dễ bị tổn thương bởi làn sóng thứ hai của COVID-19.
Tháng trước OPEC+ đã bày tỏ lo ngại rằng tốc độ phục hồi của thị trường dầu chậm hơn so với dự đoán bởi rủi ro ngày càng tăng của đợt đại dịch COVID-19 thứ hai kéo dài.
Sự bùng nổ năng lượng tái tạo
Khi các nhà đầu tư nghĩ đến mối liên hệ giữa dầu và năng lượng tái tạo, họ thường xem xét nó dưới góc độ giá dầu thấp có thể làm chậm sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.
Theo nguyên tắc điều đó là đúng, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy giá dầu thấp đã ảnh hưởng tiêu cực đến đà tăng của năng lượng tái tạo.
Ngược lại, nhu cầu về năng lượng tái tạo tiếp tục tăng trong thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra cùng lúc mà nhiên liệu hóa thạch đang đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu lớn nhất trong lịch sử.
Làn sóng cắt giảm tài sản khổng lồ đang diễn ra trong lĩnh vực dầu khí là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các nhà điều hành cuối cùng đã thừa nhận rằng ‘Lower Forever’ có thể là tiêu chuẩn mới cho dầu như Giám đốc điều hành Royal Dutch Shell Plc, Ben van Beurden đã dự đoán ba năm trước.
Mặc dù vậy các nhà đầu cơ có thể có hi vọng cuối cùng rằng việc tiếp tục không đầu tư vào các dự án dầu thực sự có thể dẫn đến nguồn cung bị ép xuống mức khiến giá dầu tăng đột biến.
H.Mĩ
Theo Kinh tế & Tiêu dùng