Ảnh hưởng của tình hình tại Afghanistan, giá dầu thế giới sụt giảm

17.08.2021

00:00/00:00

Giá dầu thế giới giảm hơn 1,5% trong phiên 16/8 do ảnh hưởng của tình hình bất ổn tại Afghanistan. Các thị trường trên thế giới hiện đang theo dõi sát sao tình hình bất ổn tại quốc gia này.

Giá dầu thế giới giảm hơn 1,5% trong phiên 16/8 do ảnh hưởng của tình hình bất ổn tại Afghanistan.

Tuy vậy, đà giảm của giá dầu thế giới đã được hạn chế do các số liệu kinh tế yếu của Trung Quốc sau khi các nguồn tin cho hay Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tin rằng thị trường không cần nhiều dầu hơn mức họ dự kiến tăng sản xuất trong những tháng tới.


Ảnh hưởng của tình hình tại Afghanistan, giá dầu thế giới sụt giảm. Ảnh minh họa: TTXVN

Phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 1,08 USD (tương đương 1,5%) xuống 69,51 USD/thùng. Trước đó, cũng trong phiên này, giá dầu có lúc đã giảm xuống 68,14 USD/thùng.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng để mất 1,15 USD (1,7%) xuống 67,29 USD/thùng. Trước đó, giá loại dầu này từng rơi xuống mức thấp 65,73 USD/thùng vào cùng phiên.

Các thị trường trên thế giới hiện đang theo dõi sát sao tình hình bất ổn ở Afghanistan. Hiện các hãng hàng không lớn trên thế giới đang xoay xở để tái định tuyến các chuyến bay nhằm tránh không phận Afghanistan, do lo ngại tình hình bất ổn tại đây có thể gây dẫn đến những nguy cơ khó dự đoán.

Trên FlightRadar24 - trang web chuyên giám sát các chuyến bay trên thế giới - hiển thị rất ít các chuyến bay thương mại qua không phận Afghanistan, trong khi số lượng các chuyến bay qua không phận các nước láng giềng của quốc gia này là Pakistan và Iran lại tăng đột biến.

Thị trường đã giảm hơn 3% trong đầu phiên giao dịch khi các số liệu mới nhất cho thấy sản lượng của các nhà máy cùng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đều giảm tốc tăng trưởng mạnh trong tháng Bảy. Những con số không như kỳ vọng chủ yếu do lũ lụt và đợt bùng phát COVID-19 mới làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh tại nước này.

Vào cùng giai đoạn, hoạt động chế biến dầu thô ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng giảm xuống mức thấp nhất tính theo ngày kể từ tháng 5/2020. Điều này do các nhà máy lọc dầu độc lập cắt giảm sản lượng vì hạn ngạch bị thắt chặt hơn, lượng dầu dự trữ tăng và lợi nhuận giảm.

Tuy nhiên, giá dầu đã phục hồi nhẹ sau đó khi các nguồn tin từ OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) cho biết không cần thiết phải tăng sản lượng, bất chấp áp lực từ Mỹ kêu gọi nhóm này phải bổ sung nguồn cung để kiểm soát đà tăng của giá dầu.

Hồi tháng Bảy, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng Tám cho đến khi chính sách cắt giảm sản lượng 5,8 triệu thùng/ngày hiện tại kết thúc hoàn toàn.

Trước đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã đưa ra nhận định xu hướng gia tăng của nhu cầu dầu thô đã đảo ngược trong tháng Bảy và dự kiến sẽ tăng với tốc độ chậm trong phần còn lại của năm 2021. Trong báo cáo mới nhất, IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ năm 2021 tăng thêm 5,3 triệu thùng/ngày lên 96,2 triệu thùng/ngày, giảm 300.000 thùng/ngày so với mức dự báo hồi tháng Bảy./.

https://bnews.vn/

Đầu trang