Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên chiều 1/11 do những sức ép từ dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang gia tăng nhưng nhu cầu có thể giảm do đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi.
Thị trường năng lượng châu Á vẫn chịu nhiều áp lực xuống giá. Ảnh: Reuters
Trên thị trường Bengaluru (Ấn Độ), giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 1/2019 giảm 37 xu Mỹ (0,49%) xuống 74,67 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng để mất 29 xu Mỹ xuống 65,02 USD/thùng.
Cả hai loại dầu trên đều đã có một “màn trình diễn” tệ hại nhất kể từ tháng 7/2016 khi dầu Brent giảm tới 8,8% còn dầu WTI để mất 10,9% trong tháng Mười vừa qua.
Việc giá dầu tiếp tục đi xuống một phần là do số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) mới công bố cho thấy dự trữ dầu của nước này tiếp tục tăng sang tuần thứ sáu liên tiếp.
Giới chuyên gia nhận định đà tăng mạnh của lượng dầu dự trữ tại Mỹ sẽ còn gây áp lực xuống giá lên “vàng đen” trong thời gian tới.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của hãng tin Reuters cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng sản lượng tháng 10/2018 lên mức cao nhất kể từ năm 2016 nhằm bù đắp cho sản lượng sụt giảm của Iran một khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực vào ngày 4/11 tới.
Trước đó vào ngày 31/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận định rằng nguồn cung dầu mỏ và các chế phẩm liên quan từ các quốc gia ngoài Iran đủ lớn để phục vụ cho thị trường mà không nhất thiết phụ thuộc vào quốc gia Vùng Vịnh này.
Ngoài ra, giới quan sát cũng cho rằng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ yếu đi do những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng là một yếu tố tác động lên giá dầu, khi giới đầu tư đang đặt cược rất nhiều vào khả năng này.
H.Thủy (Theo Reuters)