Phiên giao dịch đầu tuần mới (8/11), VN –Index tăng mạnh hơn 11 điểm, tiếp tục lập đỉnh lịch sử mới ở 1.467,57 điểm. Cùng chung xu hướng tích cực của thị trường chung, nhóm cổ phiếu dầu khí, phân bón tăng mạnh, xác lập những đỉnh giá mới.
Chốt phiên 8/11, OIL tăng 4,12% lên 17.700 đồng/cổ phiếu; PVD tăng 3,05% lên 30.400 đồng/cổ phiếu; PET tăng 3,22% lên 32.050 đồng/cổ phiếu;… đều lên mức giá đỉnh trong vòng 1 năm qua; PVC tăng 2,24%; PVT tăng 1,61%; PVS tăng 1,4%; BSR tăng 1,24%; GAS tăng 0,49%; POW tăng 0,77%;…
Bên cạnh đó, hai mã phân bón Dầu khí cũng tăng mạnh trong phiên hôm nay. DCM tăng 4,99% lên 36.850 đồng/cổ phiếu, đạt mức giá đỉnh từ trước đến nay, tăng hơn 30% trong vòng 1 tháng qua; DPM tăng 3,38% lên 52.000 đồng/cổ phiếu, đạt mức giá cao nhất trong vòng 1 năm qua, tăng hơn 39% trong 1 tháng qua.
Giá phân bón tăng cao hỗ trợ đà tăng nhóm cổ phiếu ngành Phân bón
Giá urê tại các thị trường thế giới tiếp tục duy trì mức cao tại tất cả khu vực. Tính đến 14/10/2021, giá urê dao động trong khoảng 620 – 780 USD/tấn tùy từng thị trường đối với cả urê hạt trong và hạt đục, tăng mạnh so với cùng kỳ tháng trước. Việc thiếu nghiêm trọng nguyên liệu đầu vào, đứt gãy chuỗi logistic, nguồn cung khan hiếm,… giá phân bón tăng kỷ lục thời gian qua và dự báo sẽ còn tiếp tục xu hướng tăng giá trong thời gian tới.
Trong nước, giá urê tăng mạnh theo giá thế giới, nhưng mặt bằng giá trong nước đang có phần thấp hơn so với giá thế giới do chủ động được nguồn cung urê từ các nhà máy sản xuất nội địa. Nhu cầu thị trường dự kiến tăng do chuẩn bị vào vụ Đông Xuân. Giá phân bón được dự báo tiếp tục tăng theo giá thế giới. Chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần trong nước cũng như xuất khẩu. Giá phân bón tăng cao được đánh giá là động lực chính cho kết quả SXKD của doanh nghiệp phân bón, bù đắp cho việc chi phí nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng. Điều này cũng sẽ củng cố cho đà tăng của cổ phiếu ngành phân bón.
Thị trường chứng khoán phiên đầu tuần mở cửa trong tâm lý hưng phấn của nhà đầu tư với đà tăng được duy trì tích cực trong hầu hết thời gian trong phiên. Tuy nhiên, về cuối phiên chiều thị trường có nhịp rung lắc mạnh và liên tục lao dốc về sát tham chiếu, nhưng lực cầu đối ứng nhanh chóng xuất hiện bảo toàn xu hướng tăng của thị trường. Chỉ số VN – Index tiếp tục lên đỉnh lịch sử mới khi chốt phiên tăng 11,06 điểm (0,76%) lên 1.467,57 điểm, với 288 mã tăng, 174 mã giảm và 39 mã đứng giá tham chiếu; thanh khoản của thị trường lên cao, giá trị giao dịch đạt hơn 31.400 tỷ đồng. Trên sàn HNX, HNX – Index tăng 4,46 điểm (1,04%) lên 432,1 điểm, với 164 mã tăng, 80 mã giảm và 55 mã đứng giá tham chiếu; giá trị giao dịch hơn 4.250 tỷ đồng. UPCoM tăng 0,82 (0,76%) điểm lên 109,03 điểm; giá trị giao dịch hơn 3.600 tỷ đồng.
M.P
https://petrovietnam.petrotimes.vn/